Lagomlife.net – Khi chuẩn bị thi lái xe, đầu óc căng thẳng, ta tập trung quá cao độ vì sợ lơ là vài thao tác quan trọng. Và kết quả là ta trượt cái oạch bởi vì sự “làm lố” đó. Bây giờ làm ngược lại: suy nghĩ đơn giản xem nào, kiểu gì cũng đỗ!
Câu lạc bộ “không đỗ lần đầu”
Phần lớn những người không đỗ lần đầu là do không dành nhiều thời gian tập lái. Có thể vì không có người nhà/ người quen giúp tập lái, hoặc nhà có xe nhưng bản thân không có thời gian (như mình đây – chồng lái xe số, vợ học xe tự động, trong tuần thì công việc, cuối tuần thì con nhỏ).
Ai đi thi cũng cần lập kế hoạch. Nếu không có lựa chọn nào khác ngoài các trường dạy lái xe, bạn phải lập kế hoạch ngay từ ngày bắt đầu đi học lái. Đó là cách duy nhất giúp bạn tiết kiệm thời gian, tiền bạc cũng như rất rất nhiều nơ-ron. Mình có người bạn mua luôn xe cũ, rồi thuê người quen dạy lái miệt mài.
Và đương nhiên tập với trường dạy lái thì rất tốn kém. Mình khuyên 2 điều: hãy học dồn dập (intensive), và luôn đặt buổi kép (vì buổi đơn 45 phút trôi qua rất nhanh, chưa nhét gì vào đầu đã hết giờ rồi).
Bạn có thể nhờ trường dạy lái giúp lập kế hoạch, lưu ý rằng có thể họ sẽ thích giữ bạn học “lâu lâu” một chút. Vì vậy, tự lập kế hoạch, đề đạt nguyện vọng và tỏ ra thật chủ động trong việc tập lái sẽ giúp bạn đẩy nhanh tiến độ. Hãy đặt cho bản thân những câu hỏi như: Khi nào thi lái? Muốn như vậy thì chọn phương án tập lái như thế nào? Khi nào học Risk 2? Khi nào thi lý thuyết? Thời gian biểu để đọc sách và ôn luyện lý thuyết ra sao? Blog này cũng có bài Làm sao để thi đỗ lý thuyết lái xe?.
Thi trượt thì sao?
Đừng buồn! Có hàng ngàn người (bản xứ hoặc không) thi trượt tè le cả chục lần luôn. Nhiều khi chỉ vì bạn xui xẻo nên trượt, đặt lịch thi lại thì không có ngày trống trong vòng dăm bảy tháng liền, thế là kết quả lý thuyết hết hạn, rồi lại đi thi lý thuyết lần nữa, và lại xui xẻo trượt sát nút, v.v.
Mệt mỏi nhất là cảm giác “mãi mà không xong một việc”. Nhưng hãy nghĩ rằng mỗi lần thi trượt là một lần bạn được học thêm gần như một buổi double (chi phí na ná nhau đấy). Kể cả do xui xẻo thì bạn cũng hiểu lý do: vì bạn chưa đủ tự tin và quyết đoán, vì bạn căng thẳng nên đã tập trung vào một thứ hoặc quá nhiều thứ, vì bạn tự làm khó mình trong khi đề bài quá dễ, v.v.
Thi ở đâu dễ đỗ?
Nhiều người cho rằng đi thi ở các thành phố hoặc các quận nhỏ với mật độ dân cư và xe cộ thấp sẽ dễ đỗ hơn. Điều này hoàn toàn có cơ sở, ví dụ như ở thành phố có cấu trúc giao thông đơn giản thì sẽ có ít bùng binh hơn, giao lộ không có nhiều làn xe và loại phương tiện cơ giới, v.v. Còn với những người đã tập lái hằng năm trời (với phụ huynh, người thân) thì việc đi thi ở đâu cũng không quan trọng lắm.
Tuy nhiên, hãy lưu ý là nếu thi ở địa phương của bạn, hãy dành thời gian xem bản đồ và các forum của những người thi trước, họ có thể sẽ kể về lộ trình và bạn chiểu theo bản đồ mà áng chừng cho bài thi của mình. Rất có thể hôm qua vừa có người thi, bảo rằng ở đoạn A có sửa đường, đoạn B có đổi làn. Bạn có thể nhờ người quen chở tới trường thi và âm thầm… bám theo xe của thí sinh nào đó.
Nếu thi ở thành phố khác, hãy tìm các forum có người từng thi ở đó, mở bản đồ rồi áng chừng khu vực thi sẽ có thể có những phương án đường xá nào. Ở các thành phố nhỏ, nếu đường trong trung tâm không có nhiều lắm và không đủ phức tạp, bạn sẽ phải lái ở đường nông thôn và cao tốc nhiều hơn. Đường nông thôn thường có tốc độ cao nhưng lại không có rào chắn. Đường motor thì thầy sẽ yêu cầu bạn đổi làn và thao tác đa nhiệm nhiều hơn.
Giám thị có vô vàn phương án khảo thí nhưng không có nghĩa là họ sẽ bắt bạn làm đủ mọi thứ. Chỉ cần lái một lúc là họ biết bạn có thể yếu ở kỹ năng nào và sẽ kiểm tra thêm.
Mùa nào? Ngày nào? Giờ nào?
Vào mùa khô ráo nắng đẹp, các trường dạy lái và điểm thi thường kín lịch. Nhưng trời mưa to hoặc nhiều băng hoặc tuyết rơi cũng có thể là điểm có lợi. Có một thứ gọi là vinterväglag. Khi thời tiết quá xấu, bạn được phép lái chậm hơn nhiều so với quy định – safety first. Và khi lái chậm, bạn có nhiều thời gian để xử lý tình huống hơn.
Có những người thích thi lái vào giờ trưa và tránh các giờ cao điểm. Thứ Hai và thứ Sáu là những ngày mà lượng xe lưu thông trên đường thường cao hơn (náo nức đi làm đầu tuần, náo nức nghỉ cuối tuần). Tuy nhiên, đi thi vào giờ cao điểm cũng chưa hẳn là điều quá tệ. Đường đông hoặc có nhiều xe to xung quanh, bạn có thể được lợi vì xe không di chuyển được nhiều lắm. (Tất nhiên, thầy sẽ kiếm ngay phương án cung đường khác như rẽ vào khu dân cư hoặc khu công nghiệp.)
Nhiều người nói rằng bạn nên tới phòng thi sớm để đề phòng những rắc rối bất thình lình. Nhiều người lại chọn tới sát giờ thi để tránh bị ảnh hưởng bởi nguồn năng lượng lo lắng từ những người xung quanh.
Luyện tập thật nhiều
Đương nhiên! Càng lái nhiều (många mil bakom ratten) thì trình độ càng lên. Nó tạo cho bạn cảm giác thân thuộc với xe cũng như thân thuộc với những thao tác căn bản. Sẽ tới một lúc bạn bỗng nhiên cảm được chiếc xe, bạn biết mình đã sẵn sàng.
Đi trên đường, lúc nào cũng là samspel. Xe sắp vào cao tốc phải nhìn trước ngó trái rồi xi nhan, tìm thời điểm để nhập làn. Xe trong cao tốc cũng phải để mắt khi bên phải có xe tới, xem xe đó có xi nhan định nhập hay không để tùy chỉnh tốc độ và giúp bạn điền vào ô trống. Xe nào “điên” quá thì cũng không ai muốn ở gần.
Bạn không cần phải am hiểu kỹ thuật để có thể lái xe tốt. Lý do là vì các loại xe đời mới không cho bạn cơ hội để thay dầu thay nước mát thay ắc quy. Chiếc cốp xe trông rất hình khối và bạn chỉ cần hiểu những tín hiệu nháy trên bảng điều khiển có ý nghĩa là gì, và những loại dung dịch cơ bản nằm ở đâu. Phần còn lại là mang xe tới xưởng cho người ta xử lý.
Xem video dạy lái
Khi chuẩn bị thi lái, Youtube là tri kỷ của mình. Hai kênh mình yêu thích là Sunne Trafikskola (tiếng Thụy Điển) và Conduite Facile (tiếng Anh). Hai phong cách hoàn toàn khác nhau nhưng đều hướng tới sự đơn giản, tính ứng dụng và giải thích VÌ SAO nên làm điều này hay điều khác.
Sunne Trafikskola thân thiện, giản dị, không hùng hồn cũng không đạo mạo. Họ cho mình cảm giác tự tin và giảm căng thẳng. Mình sẽ không ngần ngại bình chọn Christofer là thầy dạy lái hay nhất cõi Youtube tiếng Thụy Điển.
Conduite Facile ngắn gọn (hơi tưng tửng), đi thẳng vào vấn đề và chọc đúng chỗ mà bọn đi thi hay bị… ngứa. Kênh này làm video chuyên nghiệp và bài bản hơn.
Nguyên tắc vàng: Nghĩ đơn giản
Lái xe trên đường, bạn ngồi trong xe và được an toàn. Chính chiếc xe của bạn mới là yếu tố gây mất an toàn giao thông nếu bạn không hiểu lý do của việc học lái và chiếc bằng lái. Bạn phải lái xe an toàn. Muốn lái xe an toàn, phải suy nghĩ đơn giản. Sunne Trafikskola có một video về việc suy nghĩ đơn giản, mình cho 10 điểm!
Lấy ví dụ khi bạn đi bộ và cần phải sang đường. Phản xạ đầu tiên là tăm tia chỗ nào có lối sang đường. Nó gần đèn đỏ, bạn sẽ tăm tia từ xa xem đèn đi bộ đã xanh chưa. Nếu xanh, chắc bạn sẽ rảo chân một chút, nếu đỏ, bạn sẽ thủng thẳng đi tới và đợi. Khi đèn xanh, bạn sẽ vẫn bất giác nhìn quanh trước khi bước xuống lòng đường, ai mà tin được nhỡ đâu có “xe điên”. Bạn sẽ không muốn đi vào phần đường của xe đạp vì sẽ gây phiền cho họ hoặc sẽ khiến bạn nhận được những ánh mắt không thiện cảm từ những người xung quanh. Đó chính là sự đơn giản khi bạn làm những thao tác kia như phản xạ để giữ an toàn cho mình.
Nghĩ đơn giản khi rẽ: Là kiểm tra xung quanh trước, thấy không có vật cản hay nguy cơ nào thì mới xi nhan, xi nhan xong đừng rẽ ngay mà hãy kiểm tra lần nữa. Hãy đặt chiếc xe ở vị trí thuận lợi nhất cho mình và mọi người: rẽ phải thì đậu sát mép đường bên phải để báo hiệu cho người khác và để chặn vật cản không cần thiết (tránh kẽ hở cho các phương tiện khác chen vào), đồng thời tạo khoảng trống cho luồng xe phía bên trái.
Nghĩ đơn giản khi vào bùng binh: Bùng binh là một giải pháp giao thông cực kỳ thông minh và xinh đẹp, ai khi tới gần cũng phải tự giảm tốc, tất cả tuân thủ quy tắc nhường đường chung, giao thông trôi chảy, không đèn xanh đèn đỏ. Nếu bùng binh có hơn 1 làn đường và bạn cần đổi làn để thoát ra, làm theo quy tắc an toàn khi đổi làn thông thường. Ra khỏi bùng binh bạn phải xi nhan và bảo đảm không có người đi bộ hay xe đạp ở hai bên đang tiến tới.
Nghĩ đơn giản khi đổi làn: 1 – Kiểm tra gương chiếu hậu và chung quanh xe, 2 – Ngoái đầu để kiểm tra góc chết, 3 – Xi nhan, 4 – Kiểm tra góc chết lần nữa, 5 – Đổi làn một cách êm ái, duy trì hoặc điều chỉnh tốc độ phù hợp, 6 – Tắt xi nhan.
Nghĩ đơn giản khi nhập vào cao tốc: Hãy kiểm tra xem sắp tới có nhập làn không và tốc độ bao nhiêu. Hãy đánh giá mật độ xe luồng xe bên trái (phía trong cao tốc) để chuẩn bị nhập làn. Xi nhan sớm để báo hiệu, nhìn gương hậu, gương bên và ngoái đầu kiểm tra góc chết. Bạn phải đảm bảo là các xe phía trong cao tốc đang tạo khoảng trống cho bạn điền vào (sẽ có xe giảm tốc, có xe tăng tốc, và người lái quay sang nhìn để giúp bạn).
Don’t do unto others what you don’t want done unto you
Nếu bạn muốn có một cuốc xe êm ái thì những người khác cũng vậy. Tuân thủ quy định chung và biết hợp tác với mọi người chính là sự đơn giản. Hãy nghĩ đến việc lái xe cũng như cách mà chúng ta vận hành mọi thứ trong cuộc sống. Chúng giống hệt nhau ở một điểm: Tìm kiếm sự đơn giản, và đơn giản hóa mọi thứ./.
Chủ blog
Hej! Mình là Huong Bergström
Một kẻ vẻ ngoài thì êm êm mà tâm can thì cuồn cuộn. Cuộc sống dẫu mang dáng dấp của tấm thảm hoa hồng mà kỳ thực không vắng bóng những ups and down.
Sự Lagom - Vừa đủ khiến lòng mình biết ơn.
Mình thích trải nghiệm và chia sẻ qua những bài viết. Và với mình, trải nghiệm tuyệt vời nhất chính là của một người Việt Nam ở quê hương thứ hai - Thụy Điển.