Lo tương lai cho con kiểu Thụy Điển

Lagomlife.net – Okej, bạn vừa mới sinh con. Vậy bước tiếp theo là gì? Dĩ nhiên cha mẹ nào cũng có lúc vật vã lo tương lai cho con, nhưng mình rất ngỡ ngàng và ngưỡng mộ cách lo xa của người Thụy Điển.

Ngôn ngữ trong gia đình

Ngôn ngữ chính là văn hóa, là cách để truyền thụ văn hóa giữa các thế hệ. Trong một gia đình đa văn hóa (sắc tộc), việc thống nhất quan điểm trong sử dụng ngôn ngữ là hết sức quan trọng để phát triển tình cảm cũng như gia tăng cơ hội làm giàu vốn sống cho con.

Gia đình mình nhìn chung nửa Việt nửa Thụy Điển nên cả hai thứ tiếng này đều là ngôn ngữ chính. Tuy nhiên, nếu xét kỹ thì cái nửa Thụy Điển kia còn có một phần dòng máu Đức trong đó nữa. Vì vậy, tất cả nhà chồng mình đều biết dùng tiếng Đức. Phía nhà mình cũng có một nhánh quan trọng sinh sống ở Đức. Bản thân mình đặt mục tiêu học thêm tiếng Đức (thực ra đã đăng ký một lần nhưng bị từ chối vì đông người quá) và sau này cho con học nữa. Ngoài ra, việc sử dụng tốt tiếng Anh là một điều hiển nhiên đối với người Thụy Điển.

Ở nhà, mình luôn nói tiếng Việt với con. Chỉ khi nào có cả ba người, mình mới nói tiếng Thụy Điển nhưng vẫn cố chêm tiếng Việt vào (vì con hiểu khá nhiều tiếng Việt sẵn rồi). Đôi lúc thảo luận gì đó ở mức cao hơn và tiếng Thụy Điển của mình không đủ thì bọn mình nói tiếng Anh, nhưng rất hiếm khi. Từ khi đi mẫu giáo, con được tiếp xúc hoàn toàn với tiếng Thụy Điển nên mình cũng hiểu rằng không nên ráo riết nhồi sọ tiếng Việt cho con. Mình đã cố gắng đến mức có thể và ở trình độ có hạn của mình rồi, việc còn lại là ở khả năng và nhu cầu của con thôi.

Từ khi học tiểu học, con sẽ được chính phủ cho học thêm một môn phụ gọi là “Tiếng mẹ đẻ” (modersmål). Lưu ý là phúc lợi xã hội bảo đảm cho tất cả các cấp học đều được miễn phí. Mặc dù môn modersmål thường chỉ có vài tiếng một tuần với giáo viên riêng, nhưng dù sao có còn hơn không. Để được dạy môn này, giáo viên phải có chứng chỉ hành nghề nhà giáo và đã trải qua ngành ngôn ngữ của thứ tiếng đó. Việc bạn là một nhà văn hay nhà báo ở Việt Nam mấy chục năm cũng không đủ chứng minh rằng bạn có thể dạy người khác về tiếng Việt.

Tóm lại, phương pháp của bọn mình không có gì cao siêu và có lẽ cũng giống như mọi gia đình Việt – Thụy Điển khác. Đặt mục tiêu lagom một chút có lẽ khiến mình và con đều được dễ thở hơn.

Bảo hiểm trẻ em

Nếu gia đình bạn có hemförsäkring thì đương nhiên con cũng được hưởng lợi từ đó. Tuy nhiên, vì hemförsäkring không chi trả trong trường hợp tai nạn nên con cần có thêm barnolycksfallsförsäkring. Vì vậy, theo mình cách tốt nhất là mua bảo hiểm trẻ em (barnförsäkring) vì mọi thứ quan trọng liên quan đến sự an lành con đều đã được bao gồm hết. Tham khảo tại đây.

Tiết kiệm và hưu trí

Vụ tài khoản tiết kiệm thì không lạ, nhưng “hưu trí” thì lố quá chăng? Thực ra là việc tự mở một chương trình tiết kiệm, theo đó bạn sẽ tính toán phân bổ lương hưu hoặc trợ cấp rủi ro để dành cho con, gọi là efterlevandeskydd (lưu ý: loại trích trả từ lương hưu xã hội – allmän pension – chỉ áp dụng cho partner, còn loại dành cho con là dựa trên lương hưu thu nhập) và barnpension. Trong trường hợp mình qua đời sớm thì bên bảo hiểm cứ chiểu theo luật để phân bổ (đây không phải là di chúc nên không phân bổ theo công thức của riêng mình).

Dù thông qua cách tiết kiệm nào, các ngân hàng và công ty bảo hiểm sẽ đưa ra một bảng tạm tính (prognos) để bạn biết được rằng với số lương hưu xã hội là A, và lương hưu thu nhập là B, thì vào năm 20XX khi bạn qua đời, partner và/ hoặc con của bạn sẽ nhận được số tiền là C. Việc bạn ly hôn hoặc ly thân với partner, hoặc có một hay vài đứa con cũng sẽ làm thay đổi số tiền C đó.

Mỗi tháng, con mình đều được nhận tiền mặt của ông nội gửi (cho đến năm con 18 tuổi). Việc mở tài khoản ngân hàng đương nhiên là cần thiết. Mỗi lần con được cho tiền, mừng tuổi Tết hoặc sinh nhật (bất kể đơn vị tiền tệ nào), bọn mình đều gửi hết vào đó. Tài khoản này được vợ chồng mình đồng ý cùng kiểm soát cho đến năm con 18 tuổi.

Thêm một khoản nữa là barnbidrag – khoản tiền bé bỏng mỗi tháng con nhận được của nhà nước (1250 SEK), chia đều vào tài khoản của bố và mẹ, đại loại lo bỉm sữa đồ dùng các kiểu.

Tuy nhiên, việc tiết kiệm cho con không nên chỉ dừng ở đó. Vì nếu nhìn vào bảng tạm tính của ngân hàng hoặc bảo hiểm nếu trên thì số tiền có thể chỉ đủ chi trả cho nhu cầu sống cơ bản là cơm ăn nước uống đi lại internet vân vân. Vì vậy, nhiều người còn dùng một khoản tiết kiệm đầu tư cho con nữa, nghĩa là thay vì chỉ mỗi tháng gửi vào tài khoản đó vài trăm SEK thì sẽ không để chỗ tiền đó ngồi im mà phải đem đầu tư và tái đầu tư (mua quỹ hoặc chứng khoán). Khoản tiền đó có thể được sử dụng từ chính phần tiết kiệm tiền mặt mà con đang có hoặc bố mẹ lập hẳn một tài khoản mới.

Tiết kiệm nhà ở

Vào dịp lễ ban ơn (dop), con mình được tặng gói đăng ký thành viên của HSB, một thứ gọi là bosparande – tiết kiệm nhà ở. (Nhà mình không có ai theo đạo hết, và Thụy Điển cũng rất vô thần. Dop thực ra là một nét đẹp trong văn hóa được gìn giữ, như là một lễ chúc phúc cho em bé và để gia đình có cớ khoe con. Mỗi buổi dop thường gồm phần lễ với cha đạo và phần tiệc fika. Em bé được tặng nhiều quà quý như hộp đựng răng bằng vàng bạc, trang sức, tiền, v.v.)

Các công ty bất động sản thường không có “mặt hàng” bosparande, trừ HSB – hiệp hội nhà ở lớn nhất Thụy Điển (có cả phân nhánh Na Uy). Thông qua việc mua nhà hoặc mở tài khoản xếp hàng mua nhà do HSB quản lý, bạn trở thành thành viên của HSB. Là thành viên và có đóng phí hằng năm, bạn được tích điểm và tăng cơ hội mua nhà (gồm cả hyresrätter và bostadsrätter trên toàn Thụy Điển) so với hàng loạt những người đang xếp hàng khác. Mua nhà của HSB đồng nghĩa với việc thanh toán theo giá niêm yết, không phải đấu giá lên tận mây xanh. Ngoài ra, những công ty địa ốc uy tín, có tổ chức mạnh, năng lực tài chính tốt thì thường thu phí dịch vụ (avgift) “mềm” hơn. HSB có chi nhánh phủ khắp Thụy Điển (26 phân vùng).

Tuy nhiên, có nhiều người thấy rằng bosparande là không cần thiết, vì bây giờ cả thế giới đều dịch chuyển và biết đâu sau này con mình không sống ở Thụy Điển, cũng không có nhu cầu mua nhà tại đây.

Xếp hàng mầm non

Trẻ em từ một tuổi trở lên được phép đi nhà trẻ, nhưng thích ở nhà trông con đến khi nào là tùy bạn. Bạn được phép đăng ký trường mầm non sớm nhất là trước đó 6 tháng. Bạn được phép đăng ký tối đa 5 trường, không quan trọng ở khu vực nào.

Tiêu chí chọn trường của mỗi người là khác nhau, nhưng bạn có thể tham khảo thông tin giới thiệu của mỗi trường được tổng hợp trong website của thành phố (ví dụ: có trường đề cao đa ngôn ngữ – trẻ thường được đi thư viện đọc sách, có trường chú trọng hoạt động ngoài trời – trẻ sẽ ra ngoài trời nhiều nhất có thể và thậm chí nằm xe nôi ngủ trưa ngoài trời luôn, có trường ưu tiên sự gần gũi với thiên nhiên – trẻ hay được đi rừng và trồng cây, v.v.). Ngoài ra, nhiều diễn đàn “làm cha mẹ” hoặc số liệu thống kê cũng là những nguồn thông tin có ích. Ở Göteborg nơi mình sống, thành phố có website tổng hợp các loại phiếu điều tra, trong đó hầu như năm nào cũng có điều tra xếp hạng tất cả các trường mầm non.

Mầm non không được tính là thuộc hệ thống giáo dục chính quy nên gia đình sẽ phải đóng học phí. Học phí của mỗi trẻ khác nhau tùy thuộc vào thu nhập của bố mẹ cộng lại, gia đình có mấy con, bọn trẻ cách nhau bao nhiêu tuổi, v.v. Học phí mầm non là hoàn toàn giống nhau dù đó là trường công hay tư thục.

Bạn sẽ nhận được thư mời của trường nào đó, thường là gần nhà và đang có chỗ trống. Chưa chắc đó là trường thuộc danh sách bạn đăng ký (vì trường mà hot thì cũng khó có chỗ trống, chưa kể người xếp hàng đông và hồ sơ được giải quyết theo trình tự first come first served), nhưng bạn có quyền chấp nhận hoặc từ chối, và việc đó phải được thực hiện từ tài khoản e-service của cả bố lẫn mẹ trong trường hợp em bé có đầy đủ cả hai người chăm sóc (vårdnadshavare). Để tránh rủi ro, bạn có thể chấp nhận thư mời nêu trên và vẫn tiếp tục giữ chỗ xếp hàng theo danh sách cũ.

Xếp hàng tiểu học

Rất nhiều người kỹ tính trong việc chọn trường tiểu học cho con. Có người chuyển nhà hoặc mua nhà mới cũng bởi muốn ở gần trường mà họ nhắm chọn cho con (còn việc có được xếp chỗ hay không thì chưa biết). Khi con đủ sáu tuổi để vào lớp 1, bạn phải đăng ký theo kỳ học xuân/ thu. Tất cả trẻ em đều có quyền được xếp chỗ, cách thức tương tự như đối với mầm non. Con được ưu tiên xếp vào trường nếu có anh/ chị/ em hoặc bạn sát gần nhà theo học sẵn ở đó, hoặc nhà ở gần trường nhất, v.v. Từ cấp tiểu học trở đi, học phí là zero.

Chồng mình thích trường Anh ngữ quốc tế (IES – International English School), không phải bởi lý do “để nói tiếng Anh cho siêu” vì cái đó dân Thụy Điển đã siêu lắm rồi. Lý do là bởi chàng thấy phương pháp giáo dục của hệ thống trường này hợp với quan điểm của mình. Mình vẫn nhớ như in hình ảnh bà Barbara Bergström – người sáng lập IES, trong chiếc áo phông trắng in dòng chữ “tough love” ở một bài báo của Dagens Industri.

Có gần 40 trường ở Thụy Điển. Phụ huynh có thể đăng ký ngay từ khi con chào đời, nhưng mỗi năm IES chỉ có một/vài ngày mở trang đăng ký. Và bởi mức độ siêu hot của họ nên chỉ trong một ngày đó, bọn mình đã phải xếp hàng sau chừng 160 000 hồ sơ khác. Em bé nhà mình chắc chắn có chỗ vào năm 2027, hoặc sớm hơn nếu họ mở thêm cơ sở mới hay có người hủy xếp hàng.

Lo xa là giúp tiền đẻ ra tiền

Hầu hết những mục nêu trên đều được bọn mình hoàn tất trước khi con… biết lẫy. Nghe có phần hài hước và “làm lố” nhưng mình nghĩ rằng rất cần thiết, nhất là trong một thế giới nhiều biến động.

Tiết kiệm và đầu tư cá nhân (privatekonomi) cũng như lo xa đã là một phần lối sống của người dân Thụy Điển và nó cũng lan rộng ảnh hưởng đến quan niệm sống của các cộng đồng người nhập cư. Ở một đất nước mà chính phủ và người dân thượng tôn pháp luật, tỉ lệ tham nhũng cực thấp thì luôn luôn có những cách minh bạch để quẳng gánh lo đi và vui sống dư giả. Chủ đề privatekonomi sẽ được đề cập trong một bài viết khác nhé!