Thụy Điển trong tâm bão truyền thông – Corona ký sự

Lagomlife.net – Trong cơn bão truyền thông mùa Covid-19, nhiều người biết rằng Thụy Điển chọn chiến lược “riêng một góc trời”. Châu Âu coi đó là một kế sách sai lầm. Bắc Âu lấy đó như một “tấm gương tày liếp”. Mỹ nói Thụy Điển trả giá đắt.

Lưu ý: Có rất nhiều người theo dõi tin tức về Thụy Điển mùa Covid-19, ai cũng có quan điểm riêng, và trong chính mỗi người cũng có sự thay đổi về cách nhìn nhận qua từng giai đoạn. Bài viết này phản ánh một góc nhìn hẹp và sẽ không tránh khỏi thiếu sót. Mình rất vui nếu nhận được góp ý và phản hồi, nhưng không chào đón những hành văn và hành xử thiếu thiện chí.

Chiến lược của Thụy Điển

Kể chuyện Thụy Điển mùa Covid-19 thì dài dòng, bởi đó là cả một quá trình. Mình cũng không có quan hệ gì với chính phủ để biết tường tận chiến lược đó được thể hiện cụ thể bằng văn bản ra sao, có những kịch bản nào khác, biện pháp phòng ngừa và hạn chế rủi ro về mặt vĩ mô như thế nào, v.v. Tuy nhiên, có vài từ hay được nhắc đến là “no lockdown” và “self-discipline”. So sánh với các nước Bắc Âu khác (tin này là từ cuối tháng 3 và hiện tại đã có thay đổi).

Lagomlife.net - Thuy Dien mua Covid-19
Lagomlife.net – Đón Midsommar trong vườn nhà giữa mùa Covid-19

Cuộc sống hằng ngày diễn ra bình thường, trường học, cơ sở y tế và dịch vụ công, công ty nhà xưởng quán xá đều không đóng nhưng giờ mở cửa có giới hạn lại. Các nơi đều cố gắng hạn chế số lượng người có mặt cùng lúc. Hiện tại, khi mùa hè lễ hội miên man và thời tiết ấm nóng khiến chân tay rối rít, người dân cũng được khuyến cáo hạn chế sử dụng phương tiện công cộng mà hãy chọn đạp xe hoặc đi bộ nếu có thể. Ý thức cá nhân được đòi hỏi hàng đầu.

Tuy nhiên, ngay từ khi có tin dịch bùng phát và toàn dân tự động bế quan tỏa cảng, mình cũng bảo luôn là “gớm, được mấy hồi”. Chỉ ít lâu sau, người người lại ra đường như thể bất chấp và xác cmn định sống chung với dịch, “chịu hết nồi rồi”.

For or against

Dựa vào những con số thống kê chung toàn cầu hình ảnh Thụy Điển mùa Covid-19 hiện lên với nước cờ hết sức sai lầm, dịch bệnh lây lan mất kiểm soát, lòng người hoang mang. Cũng có những tin bài báo chí cho rằng Thụy Điển có thể thực hiện chiến lược của mình vì sự dân chủ, văn hóa và lòng tin của người dân. Lại cũng có những lập luận rằng Thụy Điển đang quá tự tin vào sự vai trò “đầu tàu” kiến tạo và tư duy đổi mới.

Nhưng không có nước nào ủng hộ cách làm của Thụy Điển (hoặc do mình chưa biết). Tính tới đầu tháng 5, tình hình lây nhiễm trong các nước châu Âu nhìn chung đã giảm, chỉ trừ Thụy Điển.

Trump bảo rằng Thụy Điển đang phải trả giá đắt vì cái tội không chịu lockdown. Một mình Thụy Điển nổi lên đỏ lừ trên bản đồ corona châu Âu của cơ quan y tế trung ương Đức. Có cả những thông tin phảng phất mùi tin giả về Thụy Điển, đặc biệt đến từ Azerbajdzjan, Nga và Trung Quốc.

Mới đây, nhiều nước châu Âu (đặc biệt là những nước sống dựa nhiều vào du lịch) đã mở cửa trở lại đón khách mùa hè nhằm cứu vãn nền kinh tế. Nhiều nước, hay đến cả hàng xóm Phần Lan, Đan Mạch, Na Uy, cũng không chào đón Thụy Điển. Đức cho phép người từ Thụy Điển sang đó, nhưng phải cách ly 14 ngày. Việc đó hoàn toàn dễ hiểu vì không chính phủ nào muốn đánh đu với sức khỏe của người dân cả, việc “giao du” với Thụy Điển lúc này là không nên.

Ngay ở Thụy Điển mùa Covid-19, các đảng phái và báo chí cũng “ẩu đả” trên mặt trận truyền thông. Người dân cũng vì thế mà chia ra nhiều phe quan điểm. Và lẽ thường, ai đã cổ súy cho quan điểm nào rồi thì sẽ chỉ nhăm nhăm theo dõi những chiều hướng thông tin có “cùng tần số” và phản ứng gay gắt đối với những người khác “chiến tuyến”.

Màu sắc giữa các quan điểm vì thế càng đậm đà hơn. Ngay cả trong nhóm bạn bè của mình cũng đã có đụng độ tư tưởng. . Tuy nhiên, khảo sát cộng đồng nhỏ quanh mình thì thấy rằng mọi người luôn cố gắng tiếp nhận thông tin nhiều chiều đến mức có thể, và đặc biệt tránh gia nhập đội ngũ “dân phòng” trên mạng.

Trong công ty, ai được hỏi cũng bảo rằng bình tĩnh, và rằng việc lây lan hay dính bệnh chỉ là sớm muộn vì nó… thuận với cơ chế hoạt động của virus. Cách duy nhất có thể làm là giữ khoảng cách, giảm giao tiếp trực diện, giữ vệ sinh và rèn luyện sức khỏe. Ai có bệnh nền thì hãy cẩn trọng hơn nữa, ai hắt hơi sổ mũi thì làm ơn đừng ra đường khổ mình khổ người.

Anders Tegnell – Ngài Corona

Anders Tegnell là statsepidemiologist, nôm na là trưởng ban chỉ đạo trung ương về phòng chống đại dịch. Cộng sự của ông là trăm nghìn chuyên gia trong đủ các lĩnh vực, nhưng Tegnell vẫn là nhân vật đứng mũi chịu sào, là bộ mặt của Thụy Điển khi nói về chiến lược đối phó với Covid-19.

Tegnell được gọi là “Ngài Corona” (herr Corona). Chương trình họp báo lúc 14:00 hằng ngày của Folkhälsomyndigheten được gọi là “Tegnell program”. Gương mặt và tên của ông xuất hiện tràn lan trên báo chí trong và ngoài nước. Mùa hè 2020, Tegnell cũng là một trong những sommarpratare được mong chờ trong chương trình phát thanh được nhiều người yêu thích Sommar & Vinter của kênh P1. Sắp tới sẽ có một bộ phim về Covid-19 và người ta đang băn khoăn ai sẽ đóng vai Tegnell.

Và nhìn chung, con người này đang rất nước mến mộ bởi sự điềm tĩnh, gãy gọn và chân phương khi truyền đạt về chiến lược quốc gia. (Không liên quan lắm, nhưng sự thể hiện của Tegnell khiến mình liên tưởng ngay đến từ lagom.) Vào đợt Tegnell bị “ném đá” truyền thông, không biết bao nhiêu người đã lập tức biên thư, gửi cơ man thiệp và hoa đến cổ vũ tinh thần cho ông. Mình đoán đây sẽ là “Người Thụy Điển của năm” (Årets svensk).

Từ thế giới nhỏ quanh mình

Nhiều người ở Việt Nam vẫn hỏi mình “bên đó hết lockdown chưa?”, mình bảo “lockdown là cái gì cơ?”. Dù sao mình cũng thấy may mắn vì cuộc sống ở đây diễn ra bình thường cho dù tần suất giao lưu và ra ngoài đường rõ ràng ít hơn. (Lại phải nói đến một việc là người Thụy Điển vốn tính tự cô lập và ít giao du, bình thường ra đường đã đứng cách nhau vài mét, ngồi xe buýt cũng không nhìn ai chứ đừng nói đến chuyện hé răng nửa lời.)

Lagomlife.net – Người dân được khuyến cáo không dùng xe công cộng nếu không thực sự thấy cần thiết

Giữa mùa Covid-19, chưa bao giờ mình gặp cảnh đi siêu thị thấy hàng hóa bị vơ vét hoặc kệ hàng nhẵn như chùi. Thi thoảng mình vẫn đi nhà hàng để ăn ủng hộ người ta trong giai đoạn khó khăn. Mọi cuộc hội họp gia đình đã bị hủy hết, em bé nhà mình tuyệt đối không được phép lại gần ông nội, con cháu đến thăm chỉ được chào hỏi từ xa.

Hạ hồi phân giải

Vẫn còn quá sớm để nói rằng quốc gia nào, chiếc lược nào là thành công. Và đặc biệt là chuyện này chẳng có dây dưa gì với thể chế chính trị độc đảng hay đa nguyên gì hết. Chưa có nước nào tự tin tuyên bố rằng mình đã “chiến thắng” hoặc “vượt qua” đại dịch này, khi mà vắc-xin chưa có, tính cách và hành xử của virus vẫn còn là một ẩn số, sự khác biệt về điều kiện địa lý, thiên nhiên và con người có ảnh hưởng thế nào đến sự lây lan và mức độ nghiêm trọng của dịch, v.v.

Và hơn nữa, cuộc chiến với đại dịch là của chung, mình thấy khá nực cười khi ai đó ngồi ở nước A và hả hê vì họ đã hơn nước B về phương diện C. Nghe chẳng khác nào chuyện anh X đắc chí vì đã vơ vét được 100 cuộn giấy vệ sinh trong khi chị Y vì đầu tắt mặt tối mà chưa kịp mua sắm gì.

Tuy nhiên, quan điểm của mình là “ăn cây nào rào cây ấy”. Chiến lược nào cũng có những cân đo giữa được và mất. Mình đã từng thấy không thoải mái khi có nhiều người từ nước ngoài đến Thụy Điển bởi thu nhập cao và phúc lợi xã hội thuộc loại “hàng hiếm”, nhưng vào độ cao điểm bão truyền thông thì chửi bới rất phiến diện. Không ai muốn mình và người thân gặp nạn cả, nhưng nếu chửi bới chay thôi mà đẩy lùi được đại dịch thì tốt quá. Mình ước gì họ mạnh dạn hơn một chút, bỏ luôn Thụy Điển đi, đừng khư khư đòi đổi màu hộ chiếu nữa thì hay.

Nhưng rồi lòng mình lập tức dịu lại khi nghĩ đến anh xã tất tả tuần hai lần đi chợ giúp một bà già hàng xóm, hay cô giáo mầm non của con mình gửi thiệp hỏi thăm ông cụ nhà bên xem có cần giúp gì không. Thực ra việc thu nạp năng lượng tích cực hay tiêu cực là do ý muốn của chúng ta cả thôi.

Lagomlife.net – Mùa Covid-19, các bé mẫu giáo vẫn được đến trường và đi công viên

Có một ví dụ mà mình muốn nhắc đến dù không liên quan lắm, đó là cuộc biểu tình chống chiến tranh Việt Nam do Olof Palme dẫn đầu. Trong cục diện mà nhiều nước vì nội tình rối ren hoặc vì không muốn lôi thôi với các siêu cường nên đều im lặng, chỉ có Thụy Điển trở thành nước tư bản đầu tiên làm bạn với Việt Nam.

Họ đã chọn một con đường riêng, Olof Palme trở thành nguyên thủ đáng kính nhất trong lịch sử Thụy Điển, và chúng ta có một Việt Nam như ngày hôm nay. Nơi nào cũng có plus và minus, nhưng khi mình đã chọn gắn bó với nơi này, mình sẽ tuân thủ chiến lược quốc gia.

Chuyện đúng hay sai, hạ hồi phân giải.