Sinh con ở Thụy Điển

Lagomlife.net – Để nói về việc sinh con ở Thụy Điển thì với mình là: “Sướng thế này thì đẻ chục lần cũng được”. Bạn mình ở Việt Nam hỏi: “Chế độ VIP hả mày?”. Không, dịch vụ công đấy. Đóng thuế cao ngất ngưởng cơ mà.

Chờ đau đẻ

Tối đi ngủ, đầu óc thị vẫn lởn vởn chương trình giảm giá cá trích ở Hemköp, sáng mai thứ Bảy phải lượn múc một mẻ về rán giòn chấm mắm tỏi ớt, ực ực.

Ba rưỡi sáng, thị bỗng thấy khó ngủ, lại còn mót đái phát khiếp. Đi tiểu, bỗng phát hiện có tí dịch nhầy nhầy hồng hồng, thị chột dạ: “Bỏ mẹ, chắc mai đẻ!” Nhưng thị vẫn rất bình tĩnh, về giường nằm ngủ tiếp. Đã đi học 3 lớp tiền sản, được thăm khám định kỳ 8-9 lần, lại còn đọc nhiều và được chị em bạn tận tình dặn dò nên thị chắc mẩm: Nhầy nhầy với hồng hồng cũng còn lâu mới đẻ được.

Bắt đầu có vài cơn đau bụng nhẹ. Yên chí, cứ ngủ cho đẫy mới có sức mà rặn. Bảy giờ, thị đến bên chồng, điềm nhiên: “Anh, xếp đồ đạc đi, nội hôm nay ngày mai là anh thành bố trẻ con đấy.” (Vali đi đẻ của thị đã sẵn sàng trước cả tháng rồi.) Nói đoạn, mặc cho ông chồng ú ớ ngơ ngác, thị đi đái thêm một lượt rồi lại đi ngủ tiếp.

Sáng, chồng lúi húi dọn túi xong bèn lao đến công ty lo soạn việc bàn giao cho đồng nghiệp rồi trưa về với vợ. Vợ thì ngồi nhà bấm giờ đo cơ gò. Gọi điện cho bên Điều phối đẻ, họ bảo: Chị cố đo thêm đến khi nào tầm 3-5 cơn co trong vòng 10 phút thì alo lại cho tôi. Vào viện sớm quá lại bị đuổi về thôi. Phòng đẻ cho chị đã sẵn sàng rồi.” Từ đây, mình bắt đầu trải nghiệm sinh con ở Thụy Điển.

Đến giữa trưa, thị vừa ăn cơm vừa alo cho u, rồi thở hùng hục vì đau.

Đo cơn co thấy mật độ tăng dần, thị bèn gọi điện lần nữa. “Ồ kê, vào viện đi!” Thật may vì tháng 9 không phải mùa cao điểm đẻ, đầu giờ chiều thứ Bảy đường xá trơn mượt, đi veo veo.

Nhập viện

Nhập viện khoảng hai giờ chiều. Bác sỹ đưa đến một căn phòng đẻ nhỏ xinh, ngoài giường đẻ và vô thiên lủng các dụng cụ kích đẻ thì có sofa xanh bạc hà, rèm cửa xanh lơ nhìn ra bầu trời bát ngát. Ở đây có sẵn radio cho ai muốn thư giãn nghe nhạc khi đẻ. Nhiều nhà còn mang nến thắp lung linh hoặc có hẳn thợ quay phim chụp ảnh. Tuy nhiên, nhìn chung chỉ có 2 người được phép ở lại cùng bà đẻ.

Bác sỹ bật máy đo cơn co rồi bảo: “Mới mở 1cm thôi. Giờ hai vợ chồng ra vườn đi dạo 1 tiếng cho tôi.” Ra ngoài, chồng kiếm cái bánh mỳ ăn lót dạ, vợ đau chẳng muốn nhai nuốt gì, trời gió vù vù, được cái bệnh viện đẹp như resort vào thu nên lòng dạ cũng thấy vui.

Lao động khỏe giúp đẻ dễ

Vào phòng, bác sỹ lại bảo: “Mới được 2cm thôi, chắc phải đi tắm.” Thị được thay chiếc áo đẻ màu trắng, rồi chồng dìu vợ vào phòng tắm. Căn phòng thắp nến mờ ảo cùng tiếng nhạc lãng mạn như thể tân hôn, chẳng giống sinh con tẹo nào. Bồn tắm to bự đã đầy nước ấm, bên cạnh là chiếc máy thở để bà đẻ bắt đầu hít hà. Rồi bác sỹ đi ra để chuẩn bị fika (quà bánh và cafe). Chỉ còn lại anh và ả chăm nhau. Vầy nước ấm cả tiếng đồng hồ, thị thấy đỡ đau nhiều, chốc chốc lại lào khào: “Thở, thở” để chồng tiếp tế mặt nạ khí.

Tắm chán chê, người mệt bã mà mới mở được 4cm. “Chưa được. Uống tí saft đi, rồi ra đây bám lấy xe đẩy này, tí tôi quay lại.” Lại ì ạch bám xe lết qua lết lại trong cơn đau. Vợ đi một đoạn lại đớp đớp, chồng lại lôi mặt nạ ra cho thở. Bác sỹ quay lại đo đạc rồi lại hô: “Đây, giờ chồng ngồi ghế, vợ ngồi lên quả bóng này, tựa lưng vào chồng, tí tôi quay lại.” Lại chỉ có hai người loay hoay ngồi chơi bóng. Bác sỹ quay trở lại rồi phán tiếp: “Bây giờ vợ ngồi lên cái ghế đẩu này, tựa lưng vào chồng, tí tôi quay lại.”

Mỗi lần “tí tôi quay lại” là chừng nửa tiếng đồng hồ, thành ra chỉ toàn hai vợ chồng tự xử với nhau. Vợ mềm oặt vì mệt, chồng thì đánh vật với vai trò mentor.

Bác sỹ bảo mở 6cm rồi, nhưng chưa đẻ được. Rồi hết vặn vẹo ngửa nghiêng rồi lại quỳ gối ôm thành giường rồi kê chân các thể loại mà không vỡ ối. Mãi đến tối, bà bác sỹ bèn chọc ối luôn. Chao! Như thể một xô nước ấm ào ra, khiến cơn đau mỗi lúc một dữ dội. Bác sỹ tiêm liều kích kích đẻ nhưng lấy ven mu bàn tay hai lần không được, bèn thêm một nhát ở cánh tay, đau mê man. Thị cảm thấy mệt và tụt huyết áp, chỉ thều thào: “Jag vill sova” khiến mọi người phải liên tục bắt uống saft cho có đường.

Thị thở máy quá nhiều đến say lử đử. Chồng vừa tiếp máy, vừa bảo: “Em thở đều, không rặn nhé”, “Em giỏi lắm, có anh ở đây rồi”. Chồng vốn là dân kỹ thuật, được luyện ngắm màn hình nhiều, cứ thấy mấy đường li ti tăng dần lên là tay đã sẵn sàng với lấy máy móc, vợ chỉ hô “thở thở” là chụp ngay cái mặt nạ vào. Ông xã 5 sao!

Cả khoa sản vào thăm

Trong cơn mê man, thị vẫn nhớ thi thoảng lại có mấy bác sỹ với hộ lý mới chạy vào hỏi thăm rồi khen em giỏi lắm, cố lên nào, bình tĩnh nào. Tưởng như khoa sản có bao nhiêu người đều được huy động hết đến các phòng, luân phiên động viên bà đẻ. Bà đỡ nói: “Hương ơi, mọi thứ ổn rồi, nhưng vì đầu em bé hơi lệch so với lối ra nên ta phải chỉnh cho nó đúng hướng đã nhé.” Ôi mẹ ơi, đang lúc đau và buồn ị kinh khủng mà còn phải bò dậy ôm lấy mép giường, chổng mông để chỉnh cái đầu em bé! Đến khi đẻ xong thị mới nghiệm ra rằng cảm giác buồn đái chính là dấu hiệu vỡ ối, và buồn ị là mắc đẻ.

Rồi bắt đầu đến đoạn rặn đẻ. “Nào Hương, giờ bác bảo con rặn ị thì rặn thật mạnh như kiểu bị táo bón nhé, rặn một hơi không được hít thở”, rồi bà đỡ làm sao thị cũng làm theo như một cái máy. Hai hơi ra được cái đầu, bốn hơi thì em bé chui hẳn ra gào inh ỏi, mọi cơn đau tắt ngấm! Thị cũng hết luôn cả buồn ngủ. Tổng cộng hơn 12 tiếng lao động. Bác sỹ đặt ngay em bé lên ngực thị, ướt nhẹp, đỏ hỏn, mềm và ấm. Rồi bà đỡ đưa kéo cho bố cắt rốn. Từ đây thị đã trở thành mẹ, từ đây gia đình có thêm một người nữa để yêu thương.

Trong lúc các bác sỹ bắt đầu bàn bạc xem khâu vá thế nào thì bố được hạ lệnh cởi trần để ôm con da tiếp da. Bố ôm con, mẹ nằm ngắm, bác sỹ khâu. Sau cơn đau đẻ kinh hoàng thì vụ khâu vá này còn nhẹ hơn cả chiếc lá rơi nghiêng. Xong xuôi, bác sỹ y tá dọn dẹp, cho hai mẹ con ấp nhau và em bé phải ti ngay trong vòng hai tiếng đầu tiên sau khi lọt lòng. Không gian ấm cúng, cô y tá đẩy xe fika vào, còn có cả bình hoa tươi và nến kèm thiệp chúc mừng của bệnh viện. Đó là Thụy Điển – nơi mỗi em em bé lọt lòng đều được chào đón bằng fika.

Vì sinh con đầu lòng nên thị được lưu lại bệnh viện hẳn 2 đêm, hai vợ chồng được ở phòng riêng. Nhà bếp phục vụ ngày ba bữa ăn với thực đơn thay đổi, và fika không bao giờ thiếu. Chi phí cho toàn bộ dự án đỡ đẻ này là 200 SEK (tiền lưu trú cho chồng) và một vài bữa ăn của chồng (rất rẻ). Trong thời gian lưu trú, chính bác sỹ đỡ đẻ sẽ là người liên tục đến thăm nom, kiểm tra đường tiểu, đưa thị đi rửa ráy, chỉ cách cho con bú và nằm, chỉ cho bố cách thay bỉm và bế con để mẹ được nghỉ ngơi tối đa. Đời thị cuối cùng cũng biết thế nào là “lương y như từ mẫu”, cảm thấy xúc động như có mẹ mình ở bên cạnh vậy. Bệnh viện công, dịch vụ 5 sao có lẽ là một tiêu chuẩn cho việc sinh con ở Thụy Điển.

Đẻ xong – đi về nhà!

Dĩ nhiên là sau khi đẻ xong, thị cũng trải qua nhiều thể loại đau khác như mọi bà mẹ trên thế giới: đau bím, đau đít, đau ti. Nhưng dã man nhất là tắc tia sữa. Điều đặc biệt khi bị tắc sữa ở Thụy Điển đó là đừng hòng bác sỹ sẽ chữa cho. Thuốc thang không được phép dùng vì đang cho con bú. Điều duy nhất họ nói với thị là: Về nhà mát xa đều đặn, để em bé bú giúp, xoay con bú theo hướng ngược lại để kích thích tia thông lại. Phải nói rằng người ta rất đề cao sự “tự nhiên”, từ quan niệm chăm sóc bà bầu đến sinh nở và giai đoạn sau sinh cũng vậy. Có một tổ chức phi lợi nhuận tên là amningshjälpen – nơi tụ hội những người thích hỗ trợ các bà mẹ cho con bú nhưng thị chưa tận dụng được lợi ích của hội này bao giờ.

Vụ này mà ở Việt Nam thì nháy mắt là xong. Lên Google gõ “thông tắc” thì hai gợi ý đầu tiên hiện ra là “thông tắc bồn cầu” và “thông tắc tia sữa”, mới thấy cung và cầu đều hết sức cao. Nào chiếu tia hồng ngoại, nào gọi y tá đến tận nhà nặn bóp đến văng tia sữa ra, nào thợ mát-xa.

Đẻ xong vài tuần, thị được mời đến bệnh viện kiểm tra vết mổ, hỏi han chuyện tiêu tiểu và được cho vài loại thuốc giúp làm “đường thông hè thoáng” như Laktulos hoặc thuốc bơm hậu môn như Microlax, Clisma Lax.

Sinh con ở Thụy Điển, thì quen với việc người ta sẽ kiểm tra xem bố mẹ có cho bé bi một không gian gia đình chuẩn mực không. Bác sỹ của BVC tới nhà thăm lần đầu, cân em bé và kiểm tra xem nhà cửa thế nào, cách gia đình chăm con ra sao.

Thị được xếp lịch gặp bà mụ ở barnmorskemottagning để trò chuyện về tâm trạng sau sinh. Ai cũng biết bà đẻ thường dễ bị trầm cảm ưu tư khi cuộc sống thay đổi. Thị được tặng thêm cuốn sách Leva med barn. Rồi thị được mời dự lớp học cấp cứu tim phổi (HLR) cho trẻ em, lớp mát-xa cho bé. Lưu ý là tất cả các hoạt động này đều khuyến khích cả bố và mẹ cùng tham gia.

Lời khuyên của trong những ngày đầu sau khi sinh con ở Thụy Điển là hãy nghỉ ngơi sau một kỳ tích, đọc sách hướng dẫn và 1177. Dù con không khóc dạ đề thì hai tháng đầu tiên vẫn vất vả vô cùng: mau đói, giấc ngủ ngắn, hay khóc mà không dỗ được, bố mẹ đều mất ngủ sinh ra cáu gắt và cãi cọ. Bà đẻ mệt nhưng ông bố cũng gặp nhiều áp lực. Hãy giữ bình tĩnh, đọc tài liệu và tăng cường nói chuyện thẳng thắn với nhau về tâm trạng và suy nghĩ của mình. Ta sẽ thấy hiểu và yêu thương nhau nhiều hơn :)./.