Lagomlife.net – Bạn đã dính bầu? Xin chúc mừng!!! Kể từ đây, việc chăm sóc bà bầu sẽ không phải là chuyện của riêng bạn và partner, mà là… toàn xã hội. Mình nói thật đấy!
Sau khi đã trải qua những giờ phút vui âm ỉ, hả hê hoặc xúc động thì câu hỏi đặt ra là: Làm gì khi đã dính bầu? Ai sẽ chăm sóc cho bà bầu này đây? Hãy lập tức lên e-service hoặc gọi điện tới närhälsan đặt lịch với barnmorskamottagning. Họ sẽ gọi cả hai vợ chồng đến để trao đổi. Bạn sẽ được kiểm tra máu và huyết áp.
Gặp bà mụ
Bạn sẽ được phỏng vấn về đời tư, làm nghề gì, đến từ đâu, quan hệ đôi lứa thế nào, v.v. Tất cả được ghi chép trong hồ sơ (journal, lưu trên e-service 1177) để dành cho những đánh giá hoặc chẩn đoán về sau. Phụ nữ trên 30 tuổi thường được khuyên kiểm tra nhiễm sắc thể của thai nhi – KUB (Kombinerat Ultraljud och Blodprov, chi phí hiện thời là 1600 SEK, miễn phí cho phụ nữ từ 35 tuổi trở lên).
Bác sỹ sẽ yêu cầu bạn thử nước tiểu lần nữa để xem đích xác tuổi thai và dự tính ngày sinh. Nếu bạn không nhớ rõ ngày kết thúc chu kỳ hoặc kinh nguyệt của bạn không đều thì có thể phải đợi đến lần siêu âm chuyên sâu tại bệnh viện lớn, khi thai đã được 4 – 5 tháng tuổi. Thông thường đó cũng là lần siêu âm cuối cùng trong thai kỳ. Ở đó, bạn sẽ phải trả phí (hình như là 60 SEK) để in hình em bé.
Cũng trong buổi đầu gặp bà mụ, bạn sẽ được cho cuốn sách Väntar barn để đọc. Sách của nhà nước, hi hi. Lời khuyên của mình là hãy đọc sách và các tài liệu bác sỹ đưa cho, không cần đọc thêm quá nhiều kẻo tẩu hỏa nhập ma. Tài liệu trôi nổi trên mạng thì vô vàn, nhưng hãy nhớ rằng tất cả chỉ để tham khảo.
Chế độ chăm sóc bà bầu của Thụy Điển
Kể từ đây, bạn sẽ đều đặn được thăm khám gần như mỗi tháng một lần. Mọi lời bạn chia sẻ đều được ghi chép lại, kể cả những lần bác sỹ gặp riêng bạn để hỏi xem có bị chồng “đòi hỏi” hoặc mắng mỏ gì không; chồng có yêu thương chăm sóc bạn đầy đủ không; bạn có cảm thấy cô đơn trống trải khi xa xứ không.
Thông thường đến tháng thứ tư, bác sỹ sẽ kê thêm viên sắt. Bạn uống đến khi nào hết đơn thì dừng. Từ đây, bạn sẽ thường xuyên bị táo bón và phân đen xì. Đừng hoảng, đấy là khi cơ thể hấp thụ sắt rồi, những gì không cần thiết sẽ bị đào thải và tèn ten, ra cái thứ màu đen cứng ngắc ấy thôi.
Hãy ăn uống, ngủ nghỉ bình thường. Chế độ ăn không có gì đặc biệt, ngoài việc hạn chế đồ có gia vị quá mạnh và dẹp ngay tư duy “phải ăn cho hai người”. Danh sách đồ nên và không nên ăn có tại đây. Ngưng sử dụng đồ có cồn, cafein và licorice. Không có tài liệu chính thống nào nói bạn phải dừng cafe hay trà, nhưng bản thân mình không uống nồng độ mạnh. Uống nhiều nước – điều này cực kỳ quan trọng.
Luôn luôn có các lớp yoga, thiền, gym cho bà bầu, rồi các buổi fika chia sẻ kinh nghiệm giữa các bà bầu của bệnh viện tổ chức, hoàn toàn miễn phí. Bạn cũng có thể dễ dàng tìm thấy các khóa tập dành cho bà bầu của các trung tâm thể thao hoặc chăm sóc sức khỏe tư nhân.
Bạn sẽ được mời hiến máu cuống rốn (navelsträngsblod) nếu hồ sơ cho thấy bạn là một người mẹ hoàn toàn khỏe mạnh. Lý do vì sao thì mời bạn tham khảo thông tin của bệnh viện Sahlgrenska.
Đăng ký phòng khám cho em bé
Ngay trong thai kỳ, bạn sẽ được mời đăng ký BVC (barnavårdscentral – phòng khám trẻ em) để chuẩn bị cho con. Hãy chọn địa điểm nào gần nhà nhất để khi cần kíp bạn có thể đi bộ. BVC sẽ cắt cử một bác sỹ chuyên theo dõi sự phát triển của con cho đến khi bé được 5 tuổi. Đây sẽ là nơi con được khám định kỳ, tiêm vắc-xin, và bố mẹ được tư vấn chăm sóc cũng như giáo dục con. Khóa dạy mát-xa trẻ sơ sinh và HLR (hjärt-lungräddning, sơ cứu tim phổi) cho trẻ cũng diễn ra tại BVC.
Trang bị kỹ năng để tự chăm sóc
Cũng trong thai kỳ, sẽ có các buổi đào tạo tiền sản tại phòng khám thai và tại bệnh viện lớn để hướng dẫn bạn khoa sản ở đâu trên bản đồ, đỗ xe ở đâu cho tiện và tiết kiệm, nếu đi xe công cộng thì đến bến nào, đi lên lầu mấy, gặp ai, quy trình đỡ đẻ ra sao, bạn có nhu cầu gì trong phòng đẻ (ví dụ thắp nến lung linh hoặc thuê người quay phim). Partner sẽ được luyện cách chăm sóc cho bạn, phải giữ tâm lý vững vàng để cùng bạn vượt cạn. Partner sẽ được giáo dục liên tục về vai trò người đàn ông xách giỏ đi chợ, nấu ăn, lau nhà, giặt đồ, tắm cho con, v.v để dành tối đa thời gian cho bà đẻ được nghỉ ngơi.
Mình được vài bạn bè khuyên tải app Preglife, thấy khá hữu ích, nhất là khi xem danh mục cần chuẩn bị cho ngày lâm bồn. Ví dụ như: đăng ký bảo hiểm thai sản, chuẩn bị túi đi đẻ (förlossningsväska).
Thứ duy nhất mình thấy phí thời gian là tâm thư bà đẻ (förlossningsbrev). Thứ này chắc chỉ áp dụng cho những ai đi đẻ một mình, có điều khó nói, tâm trạng bối rối, hoặc không đủ ngôn ngữ để diễn đạt. Mình hăm hở viết xong, chồng mình biên tập kỹ lưỡng, in ra đẹp đẽ để sẵn trong vali, cuối cùng chưa bao giờ dùng đến. Lý do là vì hồ sơ của bạn đã có từ khi gặp bà mụ rồi. Bạn có tiền sử bệnh nào, dị ứng gì, nhà có ai bị bệnh gì không, v.v. đều đã được “biết tỏng” từ lâu.
Chuẩn bị lên đường đi đẻ
Và khi đã tới những tuần bầu cuối cùng, nếu chủ động được xe cộ, bạn hãy đi tiền trạm bệnh viện. Một khi đau đẻ thì bạn tới viện nào cũng được, nhưng lỡ mắc đẻ khi đang đi du lịch ở thành phố khác? Có thể bạn dự sinh vào mùa cao điểm đẻ, một bệnh viện ở thành phố nhỏ lân cận sẽ đỡ quá tải và cho bạn ở lại thêm vài ngày? Ví dụ, tất cả sản phụ ở Göteborg đều phải đến Östra Sjukhuset. Göteborg lại đông dân, vậy tại sao không đến Borås yên ả hoặc thậm chí đến “thành phố spa” Varberg?
Dĩ nhiên, khi mang bầu bạn và partner luôn có nhiều mối lo. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng bạn cần phải khỏe về cả tâm lý và sinh lý để không chỉ sẵn sàng cho cuộc vượt cạn, mà là cả quãng đường đời về sau khi bạn đã chính thức CÓ CON. Thụy Điển được xem là một trong những đất nước vô địch thế giới về bảo đảm phúc lợi cho trẻ em và người có con nhỏ.
Hãy tận hưởng những ngày tháng hiếm hoi trong đời khi bạn được mang trong cơ thể mình một người khác nữa :).
Chủ blog
Hej! Mình là Huong Bergström
Một kẻ vẻ ngoài thì êm êm mà tâm can thì cuồn cuộn. Cuộc sống dẫu mang dáng dấp của tấm thảm hoa hồng mà kỳ thực không vắng bóng những ups and down.
Sự Lagom - Vừa đủ khiến lòng mình biết ơn.
Mình thích trải nghiệm và chia sẻ qua những bài viết. Và với mình, trải nghiệm tuyệt vời nhất chính là của một người Việt Nam ở quê hương thứ hai - Thụy Điển.